0394.241.915

Xăng Nhật là gì? Mua xăng Nhật ở đâu?

Cùng với sự du nhập của ngành công nghiệp sơn gỗ. Rất nhiều sản phẩm hóa học được mọi người biết đến và sử dụng ngoài Vecni, trong đó có xăng Nhật. Ai đã từng làm qua sơn PU gỗ đều biết đến Xăng nhật. Nhưng xăng Nhật là gì? Thành phần của nó gồm những gì? Ứng dụng của nó ngoài làm dung môi pha sơn thì còn làm gì khác? Thì rất ít người biết được. Trên mạng cũng có rất nhiều bài viết về chủ đề này nhưng nhìn chung còn rất sơ sài. Thậm chí có nhiều bài viết của không phải của người trong ngành,  không hiểu hết được chính xác. Dẫn đến truyền đạt kiến thức có phần lệch lạc, gây hiểu nhầm. Thậm chí hầu hết các của hàng bán xăng Nhật đa số đều không nắm rõ về nó. Họ cơ bản chỉ bán theo nhu cầu của khách hàng mà không tìm hiểu kỹ về đặc tính tính chất của từng loại xăng. Do đó họ cũng không giúp thợ sơn giải quyết được vấn đề khi sơn bị lỗi.

Do đó, để các bạn hiểu cặn kẽ về xăng Nhật cũng như có hướng xử lý kịp thời khi sơn xảy ra vấn đề. chúng tôi xin gửi đến các bạn bài viết chi tiết về chủ đề này.

1. Dung môi pha sơn

Dung môi pha sơn (Thinner) là một chất pha vào sơn để làm mỏng sơn, hiểu đơn giản là để làm loãng sơn. Bởi các loại sơn từ nhà cung cấp đưa về thường rất đặc, nếu để nguyên sơn thì sẽ không thi công được. Theo thuật ngữ chuyên ngành, dung môi pha sơn được gọi là chất làm giảm độ nhớt hỗn hợp sơn, độ nhớt sơn được tính bằng giây, sơn càng đặc thì độ nhớt càng cao. Vì vậy muốn sơn loãng ra bắt buộc phải pha loãng bằng dung môi. Chúng tôi sẽ có bài viết cụ thể về dung môi để các bạn tham khảo.

2. Xăng Nhật là gì?

Xăng Nhật là tên của một loại dung môi pha sơn, cụ thể là hệ sơn công nghiệp: Sơn PU (Polyurethane), sơn Epoxy, sơn Ployeste, sơn Acrylic…Xăng Nhật còn có rất nhiều tên khác nhau như xăng thơm, xăng PU, dầu chuối, dung môi pha sơn. Đây là tên thông dụng được các thợ sơn gọi. Nhưng trong ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, lại không có tên gọi xăng Nhật này, người ta gọi nó bằng tên Dung môi PU. Dù gọi tên gì thì đều cùng là một loại. Tuy nhiên trên thị trường tùy thuộc vào nhu cầu, giá cả, cách thức kinh doanh của mỗi nhà sản xuất, mỗi cửa hàng lại pha thành từng loại xăng Nhật với công thức khác nhau.

Mặc dù nó có tên là xăng Nhật như nó không cùng họ với các dòng xăng thông thường (Không dùng làm nhiên liệu cho các động cơ đốt trong). Và Xăng Nhật cũng không phải là loại xăng được nhập khẩu từ Nhật, hay được sản xuất ở Nhật. Nó đơn giản chỉ là một tên gọi.

3. Tính chất hóa học của Xăng Nhật

3.1. Thành phần hóa học của xăng thơm

Xăng Nhật là một hỗn hợp dung môi gồm nhiều chất khác nhau chứ không như các bài viết trên mạng nói rằng xăng Nhật là Butyl Acetat. Dưới đây là bảng các thành phần cơ bản của Xăng Nhật

Thành Phần Tỷ lệ (%)
Butyl Acetate 40%
Ethyl Acetate 10%
Toluene 10%
Xylene 10%
Sec – Butyl Acetate Có thế có hoặc không
Butyl Cellosolve Solvent 10%
Các thành phần khác 10%

Nhìn vào bảng thành phần, các bạn có thể thấy hàm lượng Butyl Acetate chiếm tỷ trọng khá lớn trong hỗn hợp, do đó dân gian còn gọi xăng Nhật là xăng Butyl hay Dầu chuối (Butyl có mùi thơm chuối chín). Tuy nhiên Butyl gốc thì không thể dùng làm dung môi pha sơn do nhiều đặc tính yêu cầu về độ bay hơi, giá thành…

3.2 Các tính chất đặc thù ảnh hưởng đến chất lượng sơn

Dưới đây là các tính chất đặc thù của Xăng Nhật mà các bạn nên tìm hiểu kỹ, hiểu rõ các tính chất này, các bạn có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm tốt nhất. Hơn nữa, khi thi công sơn xảy ra lỗi, bạn cũng có thể dựa vào những kiến thức này để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề.

  • Độ phản ứng

Mỗi loại dung môi thường được nhà sản xuất làm riêng cho từng loại sơn riêng, nhằm tạo nên thế độc quyền. Do đó, khi dùng loại xăng Nhật nào trên thị trường các bạn phải tìm hiểu kỹ loại sơn mình đâng sử dụng có thích hợp với loại xăng này không. Trong thành phần sơn nhà sản xuất đã cho một số thành phần dung môi, nhựa và phụ gia nhất định, nếu loại dung môi bạn dùng không hợp sẽ gây xung đột dẫn đến vón cục sơn, thay đổi tính chất hoặc thậm chí là chết sơn.

  • Độ hòa tan

Trong thành phần xăng, mỗi chất lại có tính phân cực khác nhau, có chất phân cực mạnh, chất lại không có tính phân cực hoặc phân cực thấp. Dẫn đến độ hòa tan sơn khác nhau. Trong đó Butyl là chất có độ hòa tan mạnh, là thành phần chính quyết định chất lượng sơn. Tuy nhiên giá thành của Butyl khá cao, do đó để cạnh tranh giá cả. Nhiều nhà sản xuất hạ giá thành sản phẩm bằng cách thêm vào đó một số dung môi giá thấp. Các chất này không có tính hòa tan hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng sơn.

  • Độ tinh khiết

Hầu hết các dung môi dùng để pha xăng Nhật đều phải trải qua quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt về độ tinh khiết. Lượng nước trong thành phần chiếm chưa đến 2%. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận nhiều nhà sản xuất nhập sản phẩm loại 2 về pha chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sơn chúng tôi đã đề cập trong bài sơn PU bị mốc mời các bạn tìm đọc. Đặc biệt tệ hơn nhiều nhà sản xuất còn dùng xăng nấu để bán. Xăng nấu là loại xăng tái chế từ các loại dung môi phế, xăng thải đem về chiết tách ra lại đem bán. Các loại xăng này thường lẫn nhiều tạp chất chúng ta không kiểm soát được. Chất lượng cũng bấp bênh theo từng lô. Và giá cả thì vô cùng rẻ.

  • Độ bay hơi

Mỗi thành phần trong xăng Nhật có nhiệt độ bay hơi hay còn gọi là điểm bay hơi (điểm sôi) khác nhau. Do đó, mỗi loại xăng do mỗi nhà xản xuất cũng có độ bay hơi khác nhau. Và độ bay hơi của xăng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sơn. Xăng bay hơi nhanh quá sẽ làm bề mặt sơn không tan, không dàn trải kịp. Làm cho mặt sơn sần sùi, nổi bong bóng, sơn chết trước khi thi công…Xăng bay hơi chậm thì dẫn đến màng sơn chậm khô. Gây mất thời gian, chậm tiến độ nhà sản xuất. Mặt khác bề mặt sơn chậm khô sẽ chiếm diện tích phòng sơn. Bụi bẩn dễ bám vào mặt sản phẩm. Do đó các bạn nên tìm hiểu kỹ vấn đề này khi lựa chọn nhà cung cấp cho mình.

4. Các ứng dụng của Xăng Nhật

Ứng dụng chính của Xăng Nhật là dùng làm dung môi pha sơn. Đây là ứng dụng chủ yếu, hầu hết mọi người mua xăng Nhật là để pha sơn. Tuy nhiên Xăng Nhật còn một số ứng dụng khác như: Xăng Nhật dùng làm dung môi pha keo, dung môi pha nhựa. Vì nhiều nguyên nhân không dùng được dung môi riêng để pha, phần lớn là vì giá thành. Nhiều người dùng xăng Nhật để pha keo, pha nhựa. Mà phổ thông nhất là dùng xăng Nhật để hòa tan hạt nhựa thông, nhựa cao su. Hầu hết các nhà sản xuất băng keo là sử dụng ứng dụng này. Một ứng dụng nữa của xăng Nhật là dùng làm dung môi tẩy rửa. Sử dụng tính năng hòa tan của xăng, người ta dùng nó để tẩy keo, dầu mỡ, bụi bẩn bám trên bề mặt sản phẩm. Tuy nhiên ứng dụng dùng để tẩy rửa rất ít phổ biến vì giá thành cao. Nếu các bạn có nhu cầu tẩy rửa, húng tôi sẽ cung cấp cho các bạn loại dung môi tẩy rửa riêng với giá thành thấp hơn nhiều.

5. Xăng Nhật có độc hại không?

Chúng tôi khẳng định rằng Xăng Nhật độc hại. Trong mức xếp loại nguy hiểm HMIS(Mỹ) thì xăng Nhật xếp nhóm nguy hiểm loại 1. Xăng Nhật pha vào sơn khi phun sẽ phát tán rất nhiều trong không khí, cùng với sơn tạo thành hỗn hợp khi chúng ta hít phải sẽ gây ngộ độc. Nếu hít phải lâu ngày khả năng gây ung thư là rất lớn. Do đó, khi vào phòng sơn, các bạn nên mặc bảo hộ đầy đủ, tự bảo vệ bản thân mình. Dưới đây là các tác động cụ thể khi tiếp xúc với Xăng Nhật

  • Tiếp xúc đường da: Các dấu hiệu viêm da và các triệu chứng có thể bao gồm cảm giác bỏng rát hoặc da khô, nứt nẻ.
  • Tiếp xúc đường mắt: Các dấu hiệu và triệu chứng kích ứng mắt có thể bao gồm cảm giác bỏng rát, đỏ mắt phồng rộp hoặc mờ mắt.
  • Tiếp xúc đường hô hấp (phổ biến nhất): Hít phải khí có nồng độ cao có thể làm cho hệ thần kinh trung ương (CNS) bị tê liệt dẫn đến chóng mặt, choáng, đau đầu và nôn ói. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của sự suy yếu hệ thần kinh trung ương (CNS) có thể bao gồm đau đầu, buồn nôn và mất khả năng điều khiển cơ thể. Tiếp tục hít có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.